LỊCH SỬ CHÙA SÓC LỚN
Chùa Rajamahajetavanaram Sóc Lớn toạ lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.I. Sơ lược về lịch sử hình thành
Chùa Rajamahajetavanaram Sóc Lớn toạ lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Hoà thượng Tuôch Chap (Quê quán ở huyện Prey Chek, tỉnh Svay Rieng, Campuchia) và Ông Lâm Mứt, Lâm Mơm, Lâm Keo, Lâm Duôn cùng Phật tử trong Phum Sóc bắt đầu xây dựng chùa vào năm 1928, thế kỉ 20 với diện tích 42000m2 (bốn mươi hai ngàn mét vuông). Ngoài ra, chùa còn có phần đất rộng lớn khác đó là Nghĩa địa chùa Sóc Lớn và đất Bàu tại ấp Sóc Lớn, được gìn giữ trải qua nhiều thế hệ.
Chùa được hoàn thành và làm lễ kiết giới Sây ma vào năm 1954 (Phật Lịch năm 2498), được đặt tên bằng tiếng Pali là “Rajamahajetavananram Sóc Lớn”. Kể từ đó về sau, chùa đã trở thành một nơi dành rất nhiều thanh niên đến đây tu tập.
Sau năm 1955, do bệnh tật và tuổi tác đã cao Hoà thượng Tuôch Chap phải quay về quê Ngài và viên tịch mười năm sau đó (năm 1964).
II. Giai đoạn gìn giữ và phát triển (1954 – 1973)
Từ năm 1955 – 1973, Ngài Mes Khun (quê ở Prey veng, Campuchia) được các Phật tử thỉnh về làm trụ trì, Ngài ở đây bảo vệ và gìn giữ ngôi chùa cho đến khi viên tịch. Trong cuộc kháng chiến chùa từng là nơi nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng
Cùng giai đoạn, đất nước xảy ra chiến tranh loạn lạc. Vào 8h tối năm 1970, chùa đã bị tàn phá bởi 03 quả bom B52. Toàn bộ ngôi chánh điện đã bị đổ nác hoàn toàn chỉ còn vài tượng phật. Người dân chỉ xây lại một ngôi chòi tạm bợ để thờ các tượng phật.
III. Giai đoạn khó khăn (1973 – 2008)
Do chiến tranh và chùa đã bị tàn phá, trong khoảng 1973 đến 1994 mặc dù không còn chư tăng, nhưng phật tử vẫn cố gắng gìn giữ và bảo vệ khuôn viên chùa. Dưới sự dẫn dắt của Achar Lâm Roi, phật tử vẫn tiếp tục đến thắp nhang và tụng kinh. Bên cạnh đó, mỗi khi đến các lễ hội lớn các vị phật tử vẫn luôn cố gắng thỉnh các sư từ các ngôi chùa khác ngoài tỉnh để làm lễ và thực hiện nghi thức phật giáo.
Đến cuối năm 1994 Hoà thượng Lâm Yêm – Trụ trì chùa Pothiwong, TP Hồ Chí Minh đã đến đây để sắp xếp và thỉnh Hoà thượng Lý Sang – tỉnh Sóc Trăng về làm trụ trì và tiếp tục xây dựng lại ngôi chùa. Hoà thượng Lý Sang sau khi đến đây, ngài đã vận động các Phật tử trong Phum Sóc xây dựng ngôi Sala để tụng kinh, lễ bái tam bảo và tăng xá cho chư tăng nhằm tạo điều kiện cho chư tăng có nơi ở hoàn thiện và thuận tiện cho người dân đến sinh hoạt. Vào ngày Chủ nhật ngày 15/12/2004, chùa Sóc Lớn đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.
Năm 2007 vì lão bệnh, Hoà thượng đã từ giã ban hộ từ và người dân trở về quê hương của mình. Sau đó, phật tử đã thỉnh Đại đức Thạch Thươl – chùa Ghoshitaram, Bạc Liêu về làm trụ trì, trong khoảng thời gian ngài an cư tại đây, ngài đã cố gắng hết sức bảo vệ và gìn giữ ngôi chùa cũng như dẫn dắt phật tử trồng rất nhiều loại cây.
IV. Giai đoạn Phục dựng và tiếp tục phát triển
Vào ngày 17 tháng 5 năm 2009, chùa Sóc Lớn bước sang một trang mới. Hoà thượng Hữu Hinh (chùa Ghoshitaram, Bạc Liêu) đã có sự sắp xếp chu đáo để cử Đại đức Thạch Nê (04-6-1972, Bạc Liêu) về làm trụ trì tại chùa.
Với trọng trách của mình, ngài đã tổ chức sắp xếp lại chùa trong đó có thành viên ban hộ tự Ông Lâm Ben là trưởng ban, ngoài ra Ông Lâm Búp và Ông Lâm Mứt là già làng chứng minh và Ông Lâm Roi là Achar
Bên cạnh đó, các công việc Phật sự, xây dựng và giáo dục được Đại Đức Huỳnh Thanh Chính (chùa Đìa Muồng, Bạc Liêu), Đại đức Thạch Thương (Chùa Kim cấu, Bạc Liêu), cùng Đại đức Thạch Ngọc Hận với Ngài trụ trì tiếp tục phát triển thêm các công trình trên khuông viên chùa vô cùng hoang sơ như sau:
- Cổng bao xung quanh chùa vô cùng kiên cố với chạm trổ tinh xảo được xây dựng và hoàn thành năm 2015;
- Vào ngày 8 tháng 7 năm 2012, ngài được bổ nhiệm chính thức làm trụ trì chùa Sóc Lớn với sự chứng minh của Hoà Thượng Hữu Hinh, ban hộ tự và phật tử, chứng kiến của các cấp chính quyền địa phương. Quy trình bổ nhiệm tuân thủ đúng với quy định của Ban trị sự tỉnh Bình Phước;
- Bắt đầu từ ngày 10 – 10 - 2010 đến ngày 10 – 01 – 2015, bắt đầu xây dựng và hoàn thành nhiều công trình như cột đèn điện, bảo tháp đức Phật dưới 3 cây bồ đề, đặc biệt là ngôi trường học cho chư tăng phật tử có nơi học tập thuận tiện;
- Ngày 17 tháng 7 năm 2013 khởi công xây dựng ngôi giảng đường lớn ở phía sau khuôn viên chùa;
- Ngày 31 tháng 12 năm 2015, bắt đầu đặt đá phục dựng lại ngôi chánh điện mới, bên cạnh đó cũng xây dựng lên cảnh quang xung quanh ngôi chùa để cho phật tử đến tham quan và sinh hoạt tôn giáo tại chùa.
Đối với việc trồng người, từ năm 2009 đến 2020 đã xuất gia cho 120 vị sư và tạo điện kiện cho con cháu người Khmer tu học tại chùa cũng như các trường phổ thông, đại học, ngoài ra đã nhận nuôi khoảng 250 em giới tử tu học tại chùa.
Vào mỗi năm, Chùa còn tổ chức nhiều lớp học để cho chư tăng và các con em người Khmer trong phum sóc đến đây học tập với số lượng dao động từ 150 đến 200 em mỗi năm. Các lớp học bao gồm các lớp vỡ lòng khmer đến lớp 4, bên cạnh đó, còn có các lớp kinh luận cho các chư tăng.